dền

Dền gai
Dền gai
Mô tả: Cây thảo hàng năm, cao 0,30-0,70m, phân cành nhiều, không lông. Lá mọc so le, hình thuôn dài, cuống dài có cánh, ở gốc có 2 gai dài 3-15mm, mặt trên phiến lá màu xanh dợt. Hoa mọc thành xim và sắp xếp sít nhau ở nách lá thành những bông dài, các lá bắc như gai 7-8mm. Quả là một túi hình trứng nhọn một đầu. Hạt đen óng ánh.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Amaranthi Spinosi.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng nhiệt đới châu Á, nay trở thành liên nhiệt đới, mọc dại ở bãi hoang, ven đường quanh nhà. Có thể thu hái quanh năm, dùng toàn cây rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Có thể đốt thành tro, dùng dần.
Thành phần hoá học: Cây chứa một tỷ lệ nitrát kali, nhất là ở rễ.
Tính vị, tác dụng: Dền gai có vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh; có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp, thu liễm ngừng tả.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá và ngọn non dùng luộc ăn như các loại rau dền. Thường dùng trị phù thũng, bệnh về thận, bệnh lậu, chữa lỵ có vi khuẩn và làm thuốc điều kinh. Phần cây trên mặt đất được dùng làm thuốc dịu để trị bỏng, đắp tiêu viêm mụn nhọt. Lá có tính long đờm và được dùng trị ho và các bệnh về đường hô hấp. Hạt có thể dùng như hạt cây Mào gà đắp để băng bó chỗ gãy, trật đả ứ huyết. Nhân dân còn dùng hạt và rễ trị bệnh đau tim.
Ở Ấn Độ, rễ được dùng trị rong kinh, lậu, eczema, đau bụng, làm tiết sữa. Rễ và lá sắc cho trẻ em uống để nhuận tràng; còn dùng đắp làm dịu apxe, mụn nhọt và bỏng. Cây dùng trị rắn cắn.
Đơn thuốc:
1. Trật đả, ứ huyết: Dùng cành lá hay toàn cây nấu nước uống, mỗi ngày 10-15g; hoặc dùng tro uống với nước chín hay nước trà, mỗi lần 8-12g.
2. Lậu: Dùng 5-6 rễ non nhai như nhai trầu trong một ngày liên tục trong vòng một tuần lễ thì đỡ.
3. Lỵ vi khuẩn và viêm ruột nhiệt tả: dùng 160g lá tươi hay 80g lá khô sắc uống; hoặc phối hợp với cây Mã đề, bằng nửa lượng Dền gai, cùng sắc uống.
Dền cơm
Dền cơm
Mô tả: Cỏ thường nhỏ, cao đến 80cm, đứng hay nằm ở gốc thường có một nhánh to, cong, thân to đến 5mm, không lông, không gai. Phiến lá xoan tròn dài, có khi hình bánh bò, dài 3-6cm, rộng 1,5-3cm, đầu tù, có khi lõm, không lông; cuống dài đến 10cm. Chuỳ hoa ở ngọn hay bông ở nách lá; hoa có 3 lá đài, 3 nhị, 2-3 đầu nhuỵ. Quả bế nhăn, chứa 1 hạt nâu đen, bóng, to 1mm.
Bộ phận dùng: Rễ và toàn cây - Radix et Herba Amaranthi Viridis.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở đất hoang, dọc đường đi, và cũng được trồng lấy lá làm rau. Có thể thu hái quanh năm, rửa sạch, cắt đoạn phơi khô dùng.
Thành phần hoá học: Cành lá rau dền cơm chứa nước 84,5%, protid 3,4%, glucid 1,4%, cellulose 1,6%, vitamin C 63mg%, caroten 10,5mg%, vitamin B2 0,36mg%, vitmin PP 1,3mg%. Cũng có tác giả cho biết lượng vitamin C trong rau Dền cơm là khoảng 21mg%, xào ăn thì lượng vitamin C ít hao tổn hơn luộc.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, nhạt, hơi hàn, có tác dụng thanh nhiệt khu thấp, thu liễm, chỉ tả.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Được dùng trị lỵ trực trùng và viêm trường vị cấp và mạn tính, cũng dùng trị rắn độc cắn. Ngày dùng 40-80g, sắc nước uống. Dùng ngoài lấy rễ tươi giã nát, lấy nước chiết uống và dùng bã đắp. Ở Ấn Độ, người ta dùng lá làm thuốc trị bò cạp đốt và dùng toàn cây trị rắn cắn.
Rau dền cơm còn là loại rau xào, luộc ăn ngon, có tác dụng dưỡng sinh. Kinh nghiệm dân gian là kỵ ăn với tiết canh (lợn, vịt) vì nếu ăn chung rau dền cơm luộc với tiết canh sẽ bị ỉa chảy dữ dội.
Đơn thuốc trị lỵ: Khi mới mắc bệnh, dùng 1/2 kg rau Dền cơm chia 4 lần nấu với nước, mỗi ngày uống 4 lần; ngày thứ hai dùng 1/4 kg cũng chia 4 lần nấu uống.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét