Cà-nứt nẻ


Cà
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm hay sống dai, có thân hoá gỗ, cao đến 1m. Lá mọc so le, phủ nhiều lông như nhung nhám; phiến lá hình trái xoan hay thuôn, có cuống. Hoa gắn ngoài nách lá; tràng hoa màu tím xanh, tím nhạt, rộng 2-2,5cm. Quả mọng hình trứng hay thuôn, màu tím, trắng, vàng, đỏ, có đài đồng trưởng. Hạt hẹp, nhiều. Có nhiều thứ trồng: - var. esculentum Nees. Cà tím hay Cà dái dê, có quả tím, dài hay ngắn; - var. depressum Bail.Cà bát, có quả trắng, dẹp, cao 4-6cm, rộng đến 10cm, nạc cứng dòn; - var. serpentinum Bail. Cà rắn, có quả dài hơn 25cm, màu trắng.
Bộ phận dùng: Quả và toàn cây - Fructus et Herba Solani Melongenae, thường gọi là Già.
Nơi sống và thu hái: Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, được trồng ở nước ta từ lâu đời. Cà được nhập vào châu Âu từ thế kỷ thứ 15, nay được trồng phổ biến ở các vùng Nam châu Âu, châu á và Bắc Mỹ. Cà tím là một thứ của cà được tạo ra trong quá trình trồng trọt. Toàn cây, thân lá và quả màu tím. Quả hình trụ dài, phần trên phình to hơn. Ở nước ta, Cà tím được trồng từ lâu. Quả Cà tím nhiều nạc, ăn ngon nên được mọi người ưa thích. Thời gian sinh trưởng của Cà tím thông thường là 50-60 ngày. Khi thấy màu sắc quả từ tím đậm sang tím nhạt tức là da của quả chuyển màu, hoặc đài hoa không dính sát vào quả mà cong lên thì có thể thu hoạch quả.
Thành phần hóa học: Quả cà chứa 92% nước, 1,3% protid, 0,2% lipid, 5,5% glucid; có các khoáng chất: 12mg% Mg, 10mg% Ca, 220mg% K, 15-16mg% S, 5mg% Na, 0,5mg% Fe, 0,20mg% Mn, 0,28mg% Zn, 0,10mg% Cu, khoảng 0,002mg% I; các vitamin: 0,04mg% tiền sinh tố A, 0,04mg% B1, 0,04mg% B2, 0,6mg% PP... Trong cây có trigonellin, (-amino-4-ethyl glyoxalin và cholin. Thuỷ phân dịch nhầy của cây được acid cafeic. Trong vỏ quả, người ta tìm thấy một chất màu glucosidic thuộc nhóm các anthocyan, tạo ra phloroglucinol, và chắc là acid gallic. Người ta cũng tìm được một ester p-cumaric và delphinidol. Chất đắng có thể là một solanin.
Tính vị, tác dụng: Cà có vị ngọt, tính lạnh, không độc; có tác dụng chữa nóng lạnh, ngũ tạng hao tổn, tán huyết ứ, tiêu sưng và cầm máu. Nó còn làm nhuận tràng, lợi tiểu kích thích gan và tuỵ, làm dịu. Ở Ấn Độ, người ta xem lá Cà là có tác dụng gây mê và hạt có tính kích thích.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta thường dùng Cà trong các trường hợp thiếu máu, tạng lao (tràng nhạc), táo bón, giảm niệu, tim dễ kích thích. Cũng dùng chữa các chứng xuất huyết (đại tiện ra máu, phụ nữ rong huyết, đái ra máu, lỵ ra máu), chữa sưng tấy. Ta thường dùng cà để ăn, phải dùng quả chín vì khi chưa chín, quả chứa chất độc solanin. Có thể luộc, xào nấu, ... xắt mỏng tẩm bột rán hoặc nấu bung để ăn; cũng có thể muối nén hay muốn mặn ăn dần. Lá cũng được dùng đắp ngoài làm dịu các vết bỏng, áp xe, bệnh nấm, trĩ. Nhân dân còn dùng cà dái dê làm thuốc lợi tiểu và phòng chống bệnh xơ vữa động mạch.
Đơn thuốc:
1. Chữa đại tiện ra máu, phụ nữ rong huyết, dùng quả Cà già màu vàng cả cuống, sao dòn tán nhỏ, uống mỗi lần 8g với nước giấm nhạt, ngày uống 3 lần.
2. Chữa sưng tấy, dùng quả Cà mài với giấm bôi, hay giã nhỏ chưng với rượu đắp.
3. Chữa đái buốt ra máu, đi lỵ ra máu hay loét ruột chảy máu, dùng rễ và cây Cà khô 40g, sắc uống.
4. Chân bị nứt nẻ vì giá lạnh, hay mùa hè ngón chân sưng đau, dùng rễ và cây Cà khô nấu nước ngâm rửa.
5. Miệng lở có nấm, răng sâu sưng đau, trị ra máu, dùng cuống hoặc hoa Cà đốt ra tro, tán nhỏ, uống với nước cơm, mỗi lần 8g và dùng bột xát vào chỗ đau.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét