CỐT TOÁI BỔ
Cây Cốt toái bổ
CỐT TOÁI BỔ
Rhizoma Drynariae
Rhizoma Drynariae
Tên khác: Hầu khương, Hồ tôn khương, Thân khương, cây Tổ phượng, cây Tổ rồng, Tổ diều, Tắc kè đá
Tên khoa học: Drynaria fortunei J.Sm, họ Dương xỉ (Polypodiaceae).
Mô tả: Dương xỉ mọc bò, có thân rễ dẹp, mọng nước, phủ lông dạng vẩy màu nâu sét. Lá có 2 loại: lá hứng mùn, xoan, gốc hình tim, mép có răng nhọn, dài 3-5cm, không cuống, phủ kín thân rễ; lá thường sinh sản, có cuống ngắn 4-7cm, phiến dài 10-30cm, xẻ thuỳ sâu, thành 7-13 cặp thuỳ lông chim, dày, dai, không lông. Các túi bào tử xếp hai hàng giữa gân phụ mặt dưới lá; bào tử vàng nhạt, hình trái xoan.
Bộ phận dùng: Thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Cốt toái bổ.
Phân bố: Cây mọc phụ sinh trên cây gỗ và đá, ở vùng rừng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Hoà Bình, Hà Nội tới Nghệ An.
Thu hái: Thân rễ quanh năm, cắt bỏ rễ con, phần lá sót lại và cạo sạch lông, rửa sạch, cắt thành từng miếng theo kích thước quy định, phơi hay sấy khô.
Tác dụng dược lý:
* Cốt toái bổ có tác dụng tăng cường sự hấp thu Calci của xương, nâng cao lượng Phospho và calci trong máu giúp cho chóng liền xương. Thuốc có tác dụng giảm đau và an thần.
* Có tác dụng rõ phòng ngừa lipid huyết cao, làm giảm lipid máu cao và phòng ngừa được chứng xơ mỡ mạch.
* Thực nghiệm trên chuột lang, nhận thấy thuốc có tác dụng làm giảm độc của Kanamycin đối với tai trong, nhưng sau khi ngưng thuốc, tai vẫn bị điếc vẫn phát triển.
Thành phần hoá học: Tinh bột, flavonoid.
Công năng: Bổ thận, làm mạnh gân xương, hoạt huyết hóa ứ, cầm máu giảm đau.
Công dụng: Thuốc bổ thận, trị đau xương, đau lưng, mỏi gối, chữa dập xương, ỉa chảy kéo dài, chảy máu răng.
Cách dùng, liều lượng: Dùng uống hay đắp ở ngoài. Ngày dùng 6 - 12g dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
Bào chế: Rửa sạch, cạo sạch lông, thái mỏng phơi khô dùng. Có khi tẩm mật hoặc tẩm rượu, sao qua dùng.
Bài thuốc:
1.Trị chứng răng đau, răng long, răng chảy máu do thận hư:
* Bột Cốt toái bổ vừa đủ sao đen xát vào răng.
* Gia vị Địa hoàng hoàn: Thục địa 16g, Sơn dược, Sơn thù, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả mỗi thứ 12g, Tế tân 2g, Cốt toái bổ 16g, sắc uống.
2.Trị chấn thương phần mềm, gãy xương kín:
* Tẩu mã tán: Cốt toái bổ, lá sen tươi, lá Trắc bá diệp tươi, quả Bồ kết tươi, lượng bằng nhau, tán nhỏ, mỗi thứ 12g, ngày 2 lần, hãm nước sôi uống hoặc đã đắp ngoài.
* Tiếp cốt tán: Cốt toái bổ, Huyết kiệt, Bằng sa, Đương qui, Nhũ hương, Một dược, Tục đoạn, Đồng tự nhiên, Đại hoàng, Địa miết trùng, lượng bằng nhau, tán bột trộn Vaselin bôi vùng đau. Bài thuốc có tác dụng làm liền xương nhanh.
3.Phòng nhiễm độc Streptomycin:
* Mỗi ngày dùng Cốt toái bổ 30g, sắc nước, phân 2 lần uống, tác giả theo dõi 32 ca tai ù do streptomycin, kết quả tốt (Tạp chí Y trung nguyên 1987,2:33).
* Cốt toái bổ làm mất tác dụng phụ của Streptomycin 200 ca, có kết quả 89,6% (kết quả tiêm huyệt tai tốt hơn uống) (Theo báo cáo của Thang Mộ Lan đăng trên tạp chí Kháng sinh tố 1981, 4:52).
* 53 ca uống Streptomyci được dùng Cốt toái bổ thang (Cốt toái bổ 30g, Cúc hoa 12g, Câu đằng 12g), kết quả dùng trong 35 ngày là 98,1% (Tân trung y 1986,11:30).
4.Trị chai chân: Cốt toái bổ 9g, giã nát ngâm vào 100ml cồn 95%, 3 ngày đem xát vùng chai có kết quả (Tạp chí Trung y 1964,8:37).
Kiêng ky: âm hư, huyết hư không nên dùng.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét